Sổ tay nhà thôi miên

Bạn nghĩ sao nếu một giấc mơ có thể nêu lên được góc khuất bí ẩn nào đó trong tâm trí của bạn? Góc khuất đó đã bị ý thức che lấp đi một cách thật tình cờ, dù chúng vẫn tồn tại trong tiềm thức của chúng ta.

Đúng vậy, điều đó hoàn toàn có thể xảy ra. Ý thức tồn tại và tâm thức (hay còn gọi là tiềm thức) che giấu đi những dữ liệu mà đáng lẽ chúng ta cần ghi nhớ. Nói một cách dễ hiểu thì tiềm thức của con người như một ổ cứng lưu trữ bất kỳ thể loại thông tin nào từ âm thanh, màu sắc, mùi vị, cảm xúc,…. Còn ý thức chính là chiếc Ram lưu giữ tạm thời những điều mới xảy ra.

Khám phá giấc mơ của con người qua phân tích tâm lý

Giấc mơ theo quan niệm tâm linh còn được gọi là “cái chết nhỏ bé” bởi họ quan điểm khi con người mơ chính là xuất linh hồn ra khỏi cơ thể và trải nghiệm cuộc sống ở một nơi nào đó. Và tại cuộc sống đó, thời gian trôi qua khác với thực thể hiện tại. Cho tới khi chúng ta thức dậy ở thực thể, thì cuộc sống đã kết thúc. Ký ức của thế giới được cho là thực cũng chỉ còn sót lại vài chi tiết vụn vặt, chắp vá.

Tâm linh đôi khi cũng cho rằng giấc mơ chính là điềm báo trước cho tương lai, hoặc là nơi để chúng ta gặp lại những người cần gặp trong cuộc sống.

Dưới góc độ của khoa học, giấc mơ chỉ là các đại não giải phóng những phần thông tin từ các dây thần kinh, giúp đại não được nghỉ ngơi thực sự.

Tuy nhiên, dưới góc độ của Tâm lý học, họ cho rằng giấc mơ ẩn chứa nhiều thông tin hơn về tâm lý và hành vi của con người. Giấc mơ như cách biểu thị của tầng tiềm thức khi ý thức đang ngủ say và đôi khi chính ý thức lại điều khiển giấc mơ khi chúng ta ở trạng thái giao hoà sắp tỉnh dậy (tức là lúc tiềm thức và ý thức thay phiên nhau chiếm quyền ưu thế).

Trong tâm lý học có quan điểm được giải thích từ mặt lý thuyết cho rằng: “Giấc mơ là giải phóng tiềm thức, mà tiềm thức mới là cội nguồn chỉ đạo mọi hành vi, bởi vậy mơ mới là thật, con người chúng ta là hư ảo.”

Tâm lý học con người rất mới mẻ và hấp dẫn. Nó kích thích sự tò mò của mình lên cao trong khoảng thời gian gần đây. Bí ẩn về giấc mơ cũng là một trong số đó. Chúng ta phân tích được tâm lý và hành vi của con người qua các hình ảnh trong giấc mơ khi thức dậy còn nhớ được. Hoặc đôi khi nhờ vào thôi miên hoặc nhờ vào một biện pháp nào đó gợi nhớ lại.

Những mảnh ghép vụn vặt từ giấc mơ đôi khi vẽ nên điều mà chính bản thân con người từng trải qua rồi dần dần lãng quên đi chúng. Bằng một cách thầm lặng, những ký ức đó không hề mất đi mà chỉ giống như được cất gọn vào một giá sách cũ phủ bụi. Và bất chợt, khi gặp một nan đề nào đó, cuốn sách phủ bụi lại được chính chúng ta lôi ra mà chưa lau kỹ càng.

sach-so-tay-nha-thoi-mien

“Sổ tay nhà thôi miên” hay nan đề cho nhà phân tích tâm lý?

“Sổ tay nhà thôi miên” là cuốn sách được viết dưới góc nhìn của một nhà thôi miên. Nhưng nếu bạn đã đọc thì sẽ hiểu, nó chính xác là cuộc hành trình qua mỗi câu chuyện của nhà phân tích tâm lý và nhà thôi miên học đi tìm lời giải đáp về tâm lý con người.

Tôi ấn tượng mạnh mẽ về câu chuyện “Người bảo vệ thời gian” ở cuốn 1, và lại tự đặt ra câu hỏi cho chính bản thân mình ở cuốn 2 khi phần tiếp của câu chuyện đó được tác giả viết tiếp.

Tôi ấn tượng với câu chuyện “Lính đánh thuê”(1) của người đàn ông bị ảnh hưởng tâm lý sau khi từ vùng chiến tranh trở về. Những khắc khoải, day dứt, và rồi cả hy vọng đan xen trong lý trí và cảm xúc, mang bầu không khí u ám của chiến tranh trở lại tâm trí của người lắng nghe câu chuyện.

Tôi ấn tượng với câu chuyện về câu chuyện của bà nội trợ với đam mê hội họa bị bỏ dở để rồi đi tìm lại bản thân ở trong mơ của chính mình dưới góc nhìn thực khác biệt.

Tôi cũng ấn tượng với “Sen đỏ” (2) và ý nghĩa đằng sau của chương đó. Những bức tường đỏ, cổng hình bán nguyệt, lối đi lòng vòng được tác giả phân tích dưới góc nhìn tâm lý qua giấc mơ của người phụ nữ biểu tượng cho tình dục và ngoại tình. Nhưng đi sâu vào phân tích kỹ càng hơn, khi cánh cửa trong giấc mơ ấy được mở ra thì đó lại là hàm ý nghĩa tinh tế hơn, biểu thị của Mahapadma – Địa ngục cực hàn đại hồng liên.

Sach-so-tay-nha-thoi-mien-review

Ai trong chúng ta cũng đều có những bí mật muốn che giấu đi. Nhưng khi chúng ta bị ám ảnh bởi điều đó rồi, ý thức sẽ sản sinh ra một cách thể hiện khác tác động vào tâm lý của con người.

Tất cả những câu chuyện ấy tưởng như giả tưởng những cũng tưởng như hiện thực. Cuộc sống vốn luôn có những điều kỳ diệu như vậy. Và bạn sẽ phải mất công đi khi phá ra chính những điều mà bản thân đã chôn giấu. Cao Minh đã khắc sâu vào những khía cạnh tâm lý con người khi phân tích chúng qua mỗi giấc mơ. Và chính độc giả cũng phải men theo dòng phân tích đó để đi tới hồi kết của mỗi chương sách.

Tổng kết lại cảm nhận của Haru về cuốn sách “Sổ tay nhà thôi miên”

Với bộ sách gồm 2 cuốn như Sổ tay nhà thôi miên này, mình cũng không đọc được chúng hết trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, bộ sách đã cho mình góc nhìn tâm lý khá ấn tượng bên cạnh cuốn “Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải” cũng tác giả. Nếu “Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải” khai thác theo hướng rút ra phân tích khi cùng trao đổi với những người “có vấn đề về tâm trí”, thì ở đây tác giả táo bạọ hơn khi phân tích qua giấc mơ của những vị khách hàng.

Có lẽ ngay từ khi lướt thấy tên tác giả mình đã có ấn tượng sâu sắc nên cũng không ngần ngại xuống tiền để mua bộ 2 cuốn. Và kết quả thật mỹ mãn đúng như mình đã dự định.

Đây có lẽ là một trong những cuốn sách, bộ sách mà những người nghiên cứu về tâm lý con người nên thử đọc và nghiền ngẫm. Cũng như cách mình đã yêu mến bộ sách này, hy vọng các bạn đọc tới dòng viết này của mình, cũng sẽ là một độc giả mới của cuốn sách này.

-Haru An Hảo-

Chú thích:

(1) Lính đánh thuê – một chương trong phần 1 của Sổ tay nhà thôi miên

(2) Sen đỏ – Một chương trong phần 2 của Sổ tay nhà thôi miên