“Hư thực bất phân, đúng sai chỉ là khái niệm do chính con người tự đặt ra trong suốt quá trình hình thành xã hội văn minh. Dưới ngòi bút của Cao Minh, tôi nhận ra nhiều thứ hơn trong xã hội của loài người hiện tại. Đôi khi lại bất chợt hoang mang chính những khái niệm mà con người chúng ta đã đặt ra ở mỗi nền khoa học? Liệu chúng ta chỉ là những con rối của một nền văn mình tối cao khác hay không? Hay liệu con người có thực sự tồn tại (ở một thời không đa chiều) hay không?”
Vào một ngày bất chợt tôi cầm được nó trên tay
Chẳng hiểu bằng cách nào đó, tôi bị cuốn hút lạ thường khi nhìn thấy cuốn sách có bìa đen trắng trong cả đám bìa sách đa sắc màu trên giá trong phòng làm việc của chị Leader. Trên giá sách ấy không thiếu những cuốn được tung hô, được quảng cáo như những cuốn sách chữa lành hàng đầu, tiêu biểu là cuốn “Không diệt, không sinh, đừng sợ hãi” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, hay cuốn “Hiểu về trái tim” của Thiền sư Thích Minh Niệm.
Đâu đó tôi còn nhìn thấy cuốn “Nhà Giả Kim”, rồi “Kiếp nào ra cũng tìm thấy nhau”, “ Ám ảnh từ kiếp truớc”,….
Đó, hàng chục tựa sách như vậy, nhưng tôi thực sự để ý nó – Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải – ngay từ cái nhìn đầu tiên lướt qua giá sách. (Lúc đó tôi có buổi setup quay hình bên dưới phòng làm việc của chị Leader – lần đầu có đủ thời gian nhìn chi tiết mọi thứ có trong phòng).
Có lẽ bởi vì sự đối lập về màu sắc, hình ảnh là thứ cho khiến thị giác của con người có ấn tượng sâu sắc từ cái nhìn đầu tiên. Tiêu đề cuốn sách cũng thật biết cách khơi gợi lên trí tò mò từ đứa lười đọc sách như tôi.
Từ lúc bị cuốn sách thu hút mà cả buổi quay hình tôi đã liếc qua nó tận mấy lần, sau đó lại tự suy đoán nội dung bên trong cuốn sách là gì nữa. Cho tới tận khi chính thức kết thúc buổi quay, việc cuối cùng tôi làm khi đã dọn dẹp lại căn phòng và thiết bị chính là nhắn tin cho chị lead mượn mấy cuốn sách (tất nhiên cái tên của nó cũng nằm trong list danh sách tôi mượn rồi).
Vậy là tôi đã cầm nó và vài cuốn sách nữa trên tay với niềm vui lạ thường như đứa trẻ khám phá ra điều gì đó mới mẻ lắm.
Ngày chủ nhật bên cuốn “Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải”
Thực ra cũng không phải tới tận chủ nhật tôi mới đọc cuốn đó đâu, mà ngay tối hôm thứ 7 mượn về tôi đã lôi nó ra đọc được 1/10 của cuốn rồi (nếu bạn cầm cuốn sách dày như vậy và vừa nằm vừa đọc như tôi chắc cũng không trụ được quá lâu đâu).
Cho tới chủ nhật thì tôi cũng chính thức đọc tiếp thêm. Nhưng cũng chỉ dừng ở 1/3 của cuốn sách mà thôi. Tuy rằng là thể loại văn phong Trung Quốc tôi hay đọc, những để hiểu được hết ý nghĩa cúng như một phần lý thuyết vật lý mà tác giả viết trong đó, thì tôi thấy cũng không nên đọc quá nhiều một lúc.
Đối với một dân công sở như tôi mà nói, thì việc dàng thời gian buổi tối để giải trí, lướt Douyin, hay tiktok, facebook sẽ giúp tôi thoải mái hơn (nó như một cách trả thù lại công việc như trong bộ phim Đi tới nói có gió đã nói vậy nhỉ). Chính bởi vậy mà để đọc được hết cuốn sách đó, tôi đã mất 4 ngày cuối tuần trong tháng. Đủ để có thể hiểu được nó một cách đủ chi tiết và thấu đáo.
Đó chính là điều mà trước giờ tôi ít khi suy ngẫm kỹ như vậy.
Sự nghiền ngẫm về nhân sinh quan, thế giới quan và giá trị quan
Sinh vật bốn chiều có thể nhìn thấy trước cái chết của chúng ra, rồi mới nhìn thất chúng ta được sinh ra, không có nhân quả trước sau (…) Thời gian không trôi đi, thứ trôi đi là chúng ta.
– Trích từ chương “Con sâu bốn chiều” trong cuốn “Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải” của Tác giả Cao Minh
Tam quan của con người bao gồm nhân sinh quan, thế giới quan và giá trị quan. Tam quan của con người sẽ quyết định trực tiếp tới nhận thức và hành vi của chúng ta với mọi sự vật, sự việc và hiện tượng xung quanh.
Vâng, thế tại sao tôi lại nghiền ngẫm lại điều này nhỉ, khi mà chúng ta được hình thành tam quan ngay từ khi còn bé và bồi đắp dần qua từng năm?
Có lẽ sau khi đọc từng chương từng chương trong cuốn sách, bạn cũng sẽ có vài suy nghĩ giống như tôi (hoặc không).
Điển hình khiến tôi tự đặt câu hỏi có lẽ là chương “Con sâu bốn chiều”, chương “Điểm cuối của thời gian” (2 chương thượng – hạ), “Nhà Du hành vũ trụ” và thêm 2 chương kết của cuốn sách “Thế giới thạch: Điểm cuối của thời gian; Tấm màn sân khấu”. Sự liên kết về vật lý lượng tử giữa 2 chương khiến tôi bất ngờ về quan điểm mới mẻ này. Những mà bất ngờ hơn là quan điểm đó lại từ những bệnh nhân nhân tâm thần mà tác giả được tiếp xúc.
Ở một khía cạnh nhất định, quan điểm của họ có tính chặt chẽ khá cao và khó có nhà khoa học nào có thể lập luận lại được điều đó.
Ai có thể dám chắc được điều mà chúng ta luôn cho là đúng chính là chân lý chứ? Và bạn có thể khẳng định chân lý có thể luôn luôn đúng sao? Giống như việc trước khi Galileo Galilei khám phá và kết luận trái đất quay xung quanh mặt trời, thì con người chúng ta luôn tin rằng trái đất là trung tâm của vũ trụ và mọi vì sao khác cũng lấy trái đất làm trung tâm.
Khoa học sinh ra và các học thuyết sau không ngừng phủ định lại các học thuyết có từ truớc đó hàng chục năm (có khi cả trăm tới nghìn năm). Thế giới tâm linh có hay không tồn tại cũng là câu hỏi khó khăn cho các nhà khoa học. Bởi vì có những hiện tượng họ không thể lý giải được và chỉ đưa ra các giả thiết.
Con người khi không thể lý giải được bằng khoa học, sẽ tìm tới tín ngưỡng, tôn giáo để lý giải và tin tưởng. Và những điều đó luôn có thể bị lay động.
Thế giới quan thay đổi sẽ có những giá trị quan tương ứng thay đổi theo, và kéo theo đó là nhân sinh quan cũng thay đổi để tương thích và đưa ra hành vi lẫn nhận thức phù hợp. Và điều ngược lại cũng là cách để con người tìm ra những học thuyết mới, niềm tin mới, tín ngưỡng mới.
Những chương sách thú vị
Chắc chắn bạn không nên bỏ qua chương “Con sâu bốn chiều” rồi.
Ừm, theo tôi thì cả chương “Thế giới thạch” cũng vậy. Đều là những chương có nói về lý thuyết vật lý lượng tử giúp bạn mở ra suy nghĩ khác mới lạ.
Nhưng cũng phải nói có những chương đọc xong khiến bạn tự cảm thấy kỳ quái (cái này là cảm giác mà tôi nhớ lại, bởi lúc tôi viết những dòng này cũng đã cách thời gian tôi đọc nó khá lâu rồi).
Nhưng nhắc nhớ lại thì các chương “Thuyết tiến hoá siêu cấp”, “Nền văn minh nguỵ tạo” hay “Xác sống vô hồn” đều có những điều thú vị mà dưới góc nhìn bình thường chúng ta sẽ chẳng bao giờ nghĩ tới.
“Sinh mệnh” hay “Thế giới thực” có thể đưa tôi nghĩ xa xôi về hư ảo và hiện tại. Rồi lại tự đặt câu hỏi.
Nhưng chung quy lại những chương khiến tôi đọc xong câm nín cũng có nhiều (bạn đọc rồi cũng sẽ thấy như vậy). Để rồi xác nhận rằng tam quan của những bệnh nhân đó thực sự có vấn đề.
Tác giả Cao Minh có vẻ rất thích chủ đề về những giấc mơ đấy. Trong số sách của tác giả nào có quyển nào không nhắc tới vấn đề này đâu. Bởi vậy mà chương 2 trong cuốn sách này cũng là “Tính chân thật của giấc mơ”. Giữa mơ và thực, đâu là hiện thực? Người tâm thần có thể nói rằng hiện thực là thứ giả, giấc mơ mới là cuộc sống của con người. Người bình thường cho rằng đó chỉ là những lời nói vô căn cứ và khùng điên từ họ. Nhưng đã thực sự có ai chứng minh chúng ta rốt cuộc là hiện thực hay giấc mơ mới là hiện thực của con người.
Tạm kết
Su khi kết thúc “Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải”, tôi đã nhanh chóng bỏ thêm hàng loạt các bộ sách còn lại của tác giả Cao Minh vào trong giỏ hàng của trang mua sách online. Ừm, cũng phải nói rằng, văn phong của Trung Quốc vẫn hợp khẩu vị của tôi hơn những cuốn sách self help quá đà có phần nhạt nhẽo và lặp lại (ở đây tôi không chỉ trích những cuốn sách này, chẳng qua là các chọn sách của mỗi người khác nhau và tôi có quyền nêu lên quan điểm cá nhân của mình. Và nếu bạn không thích điều này, xin phép bạn có thể không cần đọc blog của tôi).
Đọc xong cuốn sách này, cũng giúp tôi đánh giá mọi vật, mọi sự việc khách quan hơn rất nhiều. Đôi khi mở rộng suy nghĩ, góc nhìn nhận mỗi khi đối diện với một vấn đề là cách khá hay. (Nhưng tôi dám chắc sẽ không cả gan đi tiếp cận bệnh nhận tâm thần giống như nhân vật trong cuốn sách này đâu).
Được rồi, bài cảm nhận về cuốn sách này tôi xin dừng tại đây. Nếu bạn thực sự có hứng thú với nó, xin hãy tìm đọc và cùng tôi trao đổi qua bình luận trong bài viết này. Cảm ơn bạn đã đọc hết bài viết.