Keep-it-simple

2 tuổi bạn là một đứa con nhỏ xinh bên ba mẹ.

10 tuổi là ấu thơ với những trưa hè oi ả chạy quanh xóm cùng cây gậy bắt ve, là những chiều câu cá bên bờ ao bèo xanh xanh, là những cánh diều, tiếng sao lượn trên bầu trời lộng gió.

15 tuổi lại khiến bạn bâng quơ và mơ mộng bởi cái tuổi dậy thì.

18 tuổi bạn ôm những hoài bão lớn lao

20 tuổi bỗng lo lắng về ngã rẽ cuộc đời sắp tới

22 tuổi, tốt nghiệp, xông pha

24 tuổi lại bỗng chênh vênh đến lạ lùng.

.

.

.

Chào các bạn đã đến với trang viết của mình. Các bạn có thể gọi mình là Haru.

Đã lâu không gặp, những độc giả từng đọc bài viết của Haru ngày nào rồi nhỉ? Mà Haru cũng biết mình chỉ là hạt cát bụi trong vô số các hạt cát. Nhưng mình biết, mỗi hạt cát đều có điểm riêng biệt, chẳng hạt cát nào giống hạt cát nào, cho dù cấu tạo nguyên tử, phân tử của chúng giống nhau đi chăng nữa.

Chỉ có điều,

Cái tuổi 24 của mấy đứa mơ mông như mình thật chênh vênh tới lạ lùng.

Dịch bệnh 2 năm rồi cơ đấy. Nghĩ lại thì, dịch bệnh đã giúp mình thay đổi lại tư duy và góc nhìn nhận của mình rất nhiều. Từ suy nghĩ thay đổi công việc, cho tới suy nghĩ về thay đổi lối sống, cách đánh giá mọi thứ xung quanh.

Bạn nghĩ, để thay đổi quan điểm về một thứ có khó không?

Chắc là vừa có vừa không nhỉ? Chính là bạn nghĩ khó, nó sẽ khó, bạn nghĩ không khó, thì chính là không hề khó.

Quay lại câu chuyện của Haru. Ừm, có lẽ bắt đầu từ giữa năm 2020, khi tình hình dịch vừa trôi qua đợt thứ nhất thì mình bắt đầu dành thời gian để suy nghĩ về hướng phát triển của mình hơn.

Sau thời gian bị giảm lương do dịch bệnh mà nói, mình mới nhận ra công việc an nhàn mình theo đuổi và cống hiến cho nó bấy lâu nay, đã trở nên không còn phù hợp với mong ước của mình nữa.

Ai trong chúng ta cũng có những lúc sống hết mình với đam mê và nhiệt huyết. Nhưng đâu phải lúc nào ngọn lửa đó cũng mãi duy trì được. Đúng không?

22 tuổi, ra trường. Với chuyên ngành Thương mại điện tử lần đầu tiên được dạy ở trường của mình, vậy khóa của mình cũng được xem là lớp anh chị đầu tiên nhỉ? Nhưng những kiến thức trên sách vở thiếu đi sự áp dụng thực tế, khiến cho mình có nhiều sự lo lắng về nghề sẽ bước tiếp cùng mình trong tương lai dài sắp tới.

Ấy vậy mà bằng một cách nào đó, mình đã tự tin theo đuổi sở thích lúc đó về lĩnh vực marketing quảng cáo – một lĩnh vực mà mình chỉ được học qua trong môn Marketing căn bản với tổng thể 16 tiết học.

Tính ra, nếu cộng tất cả thời gian giảng bài của giảng viên trên lớp lại, chắc cũng chưa tới được con số 32 giờ đồng hồ đâu đấy. Nhưng lúc đó mình chẳng để tâm nhiều. Chỉ biết rằng, ngành nghề mà có đam mê sẽ giúp chúng ta làm việc không cảm thấy mệt mỏi.

Kiến thức trên trường lớp mang tính chất nghiên cứu nhiều hơn và có tính học thuật hơn rất nhiều so với thực tế chúng ta được trải nghiệm. Chính bởi vậy mà ngay từ năm 2, Haru đã lựa chọn đi thực tập để có thể tích lũy kiến thức về marketing online – một điều không thể thiếu của thời đại quảng cáo bắt đầu bùng nổ. Để tới khi ra trường, ít nhất mình cũng không có một cái CV trắng toát.

Keep-it-simple
Keep-it-simple

Thế đấy, đam mê của Haru được bùng cháy ở công ty về quảng cáo khi mình ra trường. Xây dựng cho mình nhiều nền tảng trong lĩnh vực này cũng như cho mình thời gian để bồi đắp lên rất nhiều những kĩ năng khác theo sở thích của mình.

Haru bắt đầu từ vị trí Content marketing và học hỏi nhiều điều từ những người leader của mình.

Mình yêu thích chỉnh sửa video, hình ảnh, lên những kịch bản hay, quay ra những shots phim ấn tượng. Tuy rằng, công việc của mình là viết content cho trang fanpage Facebook, lại còn là trang giải trí có đôi chút khác xa với con người mình, nhưng được tiếp cận với ngành nghề quảng cáo và học tập, mình sẵn sàng bắt đầu từ những thứ liên quan nho nhỏ.

Nếu như bạn yêu thích một lĩnh vực nào đó, nhưng lại không có kiến thức vì bạn chưa hề được học, cũng chẳng biết tìm kiếm ai để hỏi, để được hướng dẫn, thì việc tự xông pha khó lắm. Vì bạn cũng chẳng hiểu hết trong lĩnh vực đó có rốt cuộc bao nhiêu nghề, nghề nào trong lĩnh vực đó là cái bạn thích và có khả năng phát triển.

Đối với bản thân Haru, mình thích viết những câu chuyện ngắn, những bài tản mạn mang chất văn vẻ tả thực cảnh hơn là những câu bắt trend của CĐM. Mình thích sự hoài cổ, những giá trị xa xưa của văn hóa, những nét đẹp của thiên nhiên và địa lý xung quanh. Mình thực sự muốn làm những bộ phim, những content truyền đi vẻ đẹp của chúng thay vì những lời văn bán hàng ở một thế giới luôn thúc đẩy sự tiêu dùng hàng hóa để phát triển kinh tế.

Nhưng ngành quảng cáo nào có được chậm rãi, bình thản như tận hưởng cuộc sống bình dị kiểu thôn quê đó đâu.

Mình cũng yêu thích công việc, vì nó nuôi sống bản thân mình. Nhưng những mệt mỏi cũng dần tích tụ lại, khiến mình stress. Và tệ hơn là nhiều lúc mình đã đem sự khó chịu đó về nhà, và thể hiện lên cách đổi xử với người thân của mình.

Sự cố gắng làm một đống công việc đến nỗi mà mình không có thời gian để grow up các skill công việc dù mình rất muốn. Và đáng sợ hơn là những lời nói không thể hiện sự cỗ vũ tinh thần “em đã thực cố gắng làm cho công việc hay chưa?”, đã khiến mình nghĩ mình thực sự kém cỏi.

Chúng ta mãi mãi là một đứa trẻ. Nếu khi làm sai có trách mắng, thì khi làm tốt chúng cũng cần có những lời khen và động viên xứng đáng. Với những đứa trẻ trầm lặng, chúng càng có nhiều tâm sự và tổn thương từ trước mới khiến chúng trở nên như vậy.

Công việc nhiều, thời gian không đổi. Khi quỹ thời gian ít ỏi của bạn bị chia cho quá nhiều công việc, vậy thì cái nào bạn có thể phát huy tốt nhất được khả năng của bản thân? Đáp án là không có.

Ở thời điểm giữa năm 2020 đó chính là lúc mình nhận ra công việc hiện tại không phù hợp với mình. Nhưng cho tới tận gần giữa năm 2021 Haru mới quyết định chuyển việc. Bạn biết vì sao không? Bởi mình sợ, mình sợ phải đổi môi trường, sợ phải đối mặt với những điều mình đã quá quen thuộc. Mà đã quên mất rằng, thế giới ngoài kia rất tươi đẹp và đầy thách thức, không có gì đáng sợ cả. Khi mà bản thân chúng ta sợ mất đi những gì mình đang có, chính là lúc đã bỏ lỡ cơ hội để biết được nhiều thứ mới mẻ hơn ở ngoài thế giới rộng lớn kia.

2021, tuổi 24, có chênh vênh. Nhưng Haru không hối hận về những quyết định của mình. Không phủ định quá khứ bởi nó là trải nghiệm cho mình những bài học. Tĩnh tâm tìm lại chính bản thân cùng sự đam mê ngày nào để từ đó tìm con đường, ngã rẽ bản thân cần bước tiếp, đó mới chính là cái chúng ta nên học hỏi và cải thiện ở sự chênh vênh ở tuổi 24./.

(Bài viết được đăng lại từ trên trang website cũ của Haru nên ngày đăng không biểu thị ngày mình viết bài trên web này nha)

Haru An Hảo