Làm gì nếu content mất hứng với nghề viết

Người làm sáng tạo nội dung liên tục với tần suất lớn đôi khi sẽ cảm thấy công việc của mình bị nhàm chán và áp lực. Bởi vậy mà đôi lúc content-er dễ bị mất hứng với nghề viết của mình, đồng nghĩa với việc đánh mất đi chính túi tiền nuôi sống bản thân.

Vậy làm thế nào để có thể tìm lại động lực viết lách cho mình? Dưới đây là một cố cách mà Haru đã áp dụng trong chính khoảng thời gian mình bị mất đi động lực trong công việc viết lách mà mình vốn yêu thích.

1. Hãy tạm gấp cuốn sách hiện tại và bỏ qua một bên

Giống như việc đọc sách, khi bạn không còn hứng thú với nội dung của một cuốn sách nào đó, bạn có còn đủ kiên nhẫn tiếp tục đọc hết cuốn sách đó hay không? Chắc chắn là rất khó.

Nghề viết cũng như vậy. Khi mất đi hứng thú viết lách, để viết ra một nội dung trên bất kỳ nền tảng nào cũng là áp lực đè lên suy nghĩ của người viết. Câu từ được viết ra như một cách ứng phó và thiếu đi tâm huyết của người viết trong đó.

Điều đầu tiên bạn cần làm, hãy tạm gác lại công việc để nghỉ ngơi thư giãn một thời gian. Tìm một không gian thiên nhiên núi rừng trong lành, hòa mình cùng những tiếng chim chóc, tiếng suối chảy, tiếng của đại ngàn vô tận. Người thích biển có thể ngồi cạnh biển khơi, nghe tiếng sóng vỗ miên man bất tận, tìm về những dòng kí ức sâu lắng tự thuở ban đầu.

Thiên nhiên sẽ giúp bạn chữa lành tất cả vết thương, mệt nhọc và khó khăn trong cuộc sống, tìm lại đam mê hành nghề. Chúng ta cũng tĩnh tâm suy nghĩ và cải thiện dòng suy nghĩ của bản thân về nghề nghiệp mình đang làm.

Về với thiên nhiên là cách chữa lành không hề mất phí. Vậy còn cách nào cũng như vậy nữa hay không? Tất nhiên là có rồi.

2. Tìm lại các trang sách cũ (Thôn quê bình dị chất phác nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ)

Nếu về với thiên nhiên giúp bạn chữa lành tâm hồn, thì nơi chôn rau cắt rốn lại càng giúp bạn bồi đắp tình thương yêu. Bởi chính nơi đây đã ấp ủ cho chúng ta những kỷ niệm, ấp ủ cho chúng ta những hoài bão năm châu bốn bể.

Cách mình hay làm nhất chính là về quê – nơi những người thân yêu luôn chờ đón mình dù có bất kỳ chuyện gì xảy ra.

Khoảng 5 năm trước, từ wifi ở quê mình vẫn là cái gì đó rất mơ hồ và mới mẻ. Cái gọi là “mạng xã hội” chắc chỉ đám trẻ trong xóm mới biết nó là cái gì. Mọi người vẫn sống chân chất với công việc đồng áng ngay từ mỗi buổi sáng sớm, những công nhân đi làm, kiếm đồng tiền mồ hôi nước mắt để nuôi dưỡng những ước mơ, hoài bão của con cái mình.

Mỗi khi về quê ngắm nhìn đám trẻ choai choai buông cánh diều giấy, mấy bác lớn tuổi thì vác chiếc diều sáo to hơn cả một người lớn ra đồng thả, mình được thả hồn theo tiếng sáo diều vi vu theo làn gió, tìm lại bao cảm xúc dạt dào, bỗng lại được khơi lên cái tâm viết lách ngày còn thơ bé.

Đó, những thứ bình dị và chất phác ấy, là cái chúng ta cần ghi nhớ lại trong ký ức. Khi bạn nắm giữ được những kỷ niệm đẹp, sẽ tô vẽ lên một con người với tâm hồn tươi đẹp biết bao.

Giống như trang sách cũ cung cấp kiến thức, cũng sẽ cho ta những tình cảm khó mờ phai trong tâm trí. Thật lạ lùng là cảm giác ấy lần nào cũng giúp mình làm đầy tràn năng lượng, tìm lại sự hào hứng vốn có.

Thử tạm rời bỏ nơi phố phường tấp nập để về quê xem thử vẻ đẹp của sự yên bình bạn nhé!

Với những ai sinh ra nơi phố thị, hãy chọn du lịch ngược tới các vùng quê, tận hưởng thử cảm giác mà trước giờ đã đâu đó bỏ lỡ.

3. Một bản review cuốn sách vừa đã đọc thì sao?

Lúc này bạn nên tự đánh giá lại chính bản thân mình nếu vẫn chưa thực sự có niềm đam mê lại với công việc. Người trẻ nào cũng sẽ có lúc bị mất phương hướng và cái mình muốn làm nhất.

Đó chính là thời điểm mà bạn đặt ra câu hỏi ‘Liệu công việc này có phù hợp với mình?” hay “Làm mãi một công việc như này, tương lai của mình có thể đi được đến đâu?”

Hãy thử tổng hợp lại kinh nghiệm của bản thân để có cái nhìn tổng quan cho sự phát triển tương lai của mình.

Thực ra chẳng có công việc nào mà người làm nghề lúc nào cũng có được tình yêu mãnh liệt. Giống như khi bạn đang trong tinh yêu vậy, sẽ có lúc bỗng nhiên chúng ta cảm thấy đối phương không còn dễ mến và chúng ta mong muốn có cái gì đó mới mẻ.

Nguyên nhân thực ra không hề đến từ bên ngoài, mà nó tới từ bên trong của mỗi chúng ta. Bởi vậy mà thay vì đì hỏi sự mới mẻ từ người khác, chính bản thân mình cần phải nhìn nhận lại bên trong mình “Tại sao chúng ta lại có suy nghĩ như vậy?”.

Đối với công việc, chúng ta thấy nó chưa có được dễ dàng là bởi vì chúng ta có nhiều thời gian để học tập và phát triển trình độ bản thân, tâm hồn của mình.

Tại sao mình nói cần viết lại review cuốn sách? Ý rằng, bạn làm việc một thời gian và bỗng dưng mất đi động lực, hãy thử ngồi và ngẫm kỹ xem vừa qua bản thân đã trải nghiệm những gì, niềm vui trong công việc, áp lực trong công việc, thành quả của bạn đạt được là gì? Sự đúc rút sau mỗi công việc của bạn giúp bạn phát triển hơn như thế nào?

Những công việc không tên, những bài học không tên, những kinh nghiệm không tên đó, và những mối quan hệ bạn tích cóp được, chúng đều có ích cho chính bản thân của bạn. Viết lại tất cả, cũng là cách bạn tìm lại được niềm vui và định hướng của mình.

Ngoài làm một content, nếu bạn thấy mình đã đủ kinh nghiệm, hoàn toàn có thể lựa chọn phát triển bản thân cao hơn thay vì chỉ dừng lại ở content. Chẳng hạn, bạn hãy phát triển thành một planner, hoặc lên manage, hay theo hướng content hình ảnh (Design đó), hoặc một người tìm hiểu xu hướng,…. có rất nhiều cách để từ một content thông thường để chuyển thành một người làm content khác biệt.

4. Mở ra một cuốn sách mới khác

Mở ra trang sách mới, mở ra một thế giới mới, chỉ đơn giản là hãy thử viết khác đi một chút, viết những điều bạn nghĩ đầu tiên thay vì phải viết vì công việc.

Thực ra ở đây bạn cũng thể hiểu là thử tìm một lối đi khác cho bản thân nếu thấy mình thật sự không phù hợp với nghề viết lách. Đâu phải ai cũng có thể tìm được bến đỗ nghề nghiệp của mình ngay lần đầu tiên. Có những người phải trải qua 3-4 công việc mới có thể tìm được đích đến để cố gắng phát triển.

Thử thách bản thân với những lựa chọn mới, chân trời mới. Bởi vì không thử sẽ chẳng thể nào có thể biết.

Chị gái mình, xuất phát điểm cũng như nhiều bạn sinh viên đại học khác, học TMĐT, làm về Marketing (theo hướng trade marketing). Qua một năm trong nghề, khối lượng công việc của một trade marketing cho công ty F&B khá lớn vẫn cố thể đảm nhận tốt, nhưng nó lại không hề giúp chị ấy thực sự vui vẻ (Nhưng mình dám cá với các bạn 50% môi trường làm việc có sự tác động không hề nhỏ). Sau đó, chị mình lại phát hiện rằng bả vốn chẳng quá đam mê công việc này.

Và chị ấy đã lựa chọn công việc khác, ở một lĩnh vực hoàn toàn khác, chẳng sợ sự bắt đầu nào cả. Chị ấy đã dành thời gian đi học một khóa học về chuyên ngành mới và xin thực tập, bắt đầu lại từ đầu.

Còn bạn, nếu chưa tìm đúng công việc, hãy thử bắt tay làm và học luôn công việc mình muốn làm nhất ở hiện tại, đừng bao giờ ngại thử sức với những bắt đầu mới. Bởi không có bắt đầu sẽ chẳng có kết quả.

Có rất nhiều cách để giúp bạn có lại được cảm hứng khi mất đi động lực. Hãy thử một, hai cách. Không được hay thử ba, bốn cách. Đường đời vốn chẳng phải chỉ có một con đường duy nhất, một bài toán đâu phải chỉ có 1 cách để giái tới đáp án.

Nghề viết lách thực ra chỉ cần bạn có đủ nhiệt huyết, đủ kiên trì thì mỗi ngày làm việc đã luôn là một trang sách mới. Content-er à, bạn hãy luôn tự tin và vượt lên chính khó khăn, đừng bao giờ cảm thấy câu chữ áp lực, chỉ có chúng ta tự tạo ra áp lực lên câu chữ và biến nó thành áp lực của mình mà thôi!

[Haru An Hảo]