Hội đền Kỳ Cùng Lạng Sơn

Hội đền Kỳ Cùng Tả Phủ tại Lạng Sơn được diễn ra từ ngày 22- 27 âm lịch của Tháng giêng hàng năm, đây là một trong những lễ hội lớn thu hút rất nhiều du khách thập phương từ xa tới tham dự bởi những nét đẹp văn hóa vùng miền đậm chất.

Các bạn biết đấy, mỗi tháng giêng tới là người dân lại nô nức đi trẩy hội, với miền Bắc có  hội Chùa Hương, hội Đền Gióng, Lễ hội Yên Tử, Hội chùa Keo,… miền Nam lại đặc trưng bởi lễ hội chùa Bà Thiên Hậu, Lễ Hội Đền bà Đen, Lễ Hội Bà Chúa Sứ,… Ông bà xưa còn có câu:

“Tháng Giêng là tháng ăn chơi
Tháng hai cờ bạc, tháng Ba rượu chè.”

(theo lời truyền dân gian)

Nói ra thì cũng có chút đúng các bạn nhỉ. Vì ngày xưa có nhiều lễ hội hơn bây giờ đó.

Trong bài mình sẽ review lễ hội năm 2019 để bạn nào có dịp thì các năm tiếp theo hãy cùng người thân bạn bè tới tham dự và chuẩn bị trước những điều cần làm, những nơi cần tới.

Tuy không phải người dân thuộc tỉnh miền núi phía Bắc nhưng năm nào mình cũng bị cuốn hút bởi sự hoành tráng của lễ hội đền Kỳ Cùng Tả Phủ Lạng Sơn. Tạm bỏ qua về lịch sử hình thành của đền, hôm nay mình sẽ chỉ review vè du lịch tại lễ hội thôi nhé!

Hội đền Kỳ Cùng Lạng Sơn
Hội đền Kỳ Cùng Lạng Sơn

Thời gian của hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ tỉnh Lạng Sơn

Mỗi năm tới lễ hội là một trải nghiệm hoàn toàn khác. Nhưng nếu bạn muốn có một không gian nghỉ ngơi thư thái thì nên đặt lịch phòng trọ, khách sạn từ trước để không bị đội giá cả và cũng như có được nhiều lựa chọn hơn. Các bạn cũng nên chú ý nên đặt các khách sạn trong thành phố hoặc trên tỉnh là nơi diễn ra lễ hội nhé! Khách Sạn Mường Thanh cũng là địa điểm nổi tiếng và đáng để cân nhắc dù nó có hơi xa đền Kì Cùng Tả Phủ một chút nên để đi bộ sẽ hơi mệt.

Nếu đủ thời gian du lịch, bạn hãy xếp lịch tham quan tất cả các đại danh nổi tiếng của Lạng Sơn nhé.

Ngày đầu tiên tới nơi, các bạn hãy nghỉ ngơi để lấy sức cho ngày hội đầu tiên diễn ra trong ngày 22 âm lịch. Ngày hội sẽ là ngày Người dân địa phương họp thành từng ngõ xóm để tổ chức những bữa cơm cùng nhau rất vui vẻ. Và tất nhiên không thể thiếu những món ăn nổi tiếng nơi đây như Heo Quay, Vịt Quay, món Thịt Kho Nhục, cá kho giềng,… Có những nơi còn để những bàn trống cho khách du lịch tới cùng ăn uống và hát hò.

Mở màn cho Ngày hội đầu tiên là cảnh rước kiệu từ Đền Kì Cùng xuống Đền Tả Phủ. Đi qua những con phố dài trưng đủ lễ vật và thức ăn hai bên đường, người dân đi sau người nối người như chẳng thấy điểm dừng vậy. Sau đó mọi người cùng nhau mổ những con lợn qua đã lễ tạ quan đền, cùng nhau chúc tụng một năm mới làm ăn phát tài nhiều lộc.

Xong ngày 22 âm lịch, mọi hoạt động của người dân lại trở lại ngày thường. Chỉ có phố xá là tấp nập hơn du khách từ các tỉnh, du khách Trung Quốc cũng đôi ba tốp nói tiếng lơ lớ hỏi đường, cũng có nhóm thì có hướng dẫn viên chỉ dẫn. Đâu đó là những người dân tộc mang đồ từ trên bản xuống để buôn bán thêm trong dịp lễ. Cũng nhiều dân tộc lắm, mà mình không biết dân tộc nào, chỉ thấy đông nhất đa phần mạc áo màu đen, quấn những chiếc khăn đen tua xanh, đỏ kiểu khăn mỏ quạ ngày xưa.

Địa điểm tham quan hấp dẫn tại thành phố Lạng Sơn

Ngày 23 chính là ngày bạn nên đi thăm chùa Nhị Thanh, Chùa Tam Thanh và thành Nhà Mạc (các bạn có thể tra về lịch sử của 3 địa danh qua wikipedia). Nếu ai biết đường có thể từ Ngã 6 để đi ra từng địa danh, nhưng du khách cũng có thể bắt một chiếc Taxi vì giá dịch vụ taxi trên thành phố Lạng Sơn thật khiến nhiều trầm trồ vì rẻ. Chùa Nhị Thanh đẹp dịu dàng qua những hàng đá vôi và dòng nước mát chảy uốn lượn, thì chùa Tam Thanh lại hùng vĩ mạnh mẽ bởi hang đá cao. Nhiều người lễ xong có thể trèo cao, thấy cái gọi là cửa Trời để rồi nhìn ra ngoài kia là cả một thành phố phồn hoa thịnh vượng.

Từ Chùa Tam Thanh nhìn qua thấy cả tấm biển to với dòng chữ Thành Nhà Mạc trên một ngọn núi cách không xa. Bạn chỉ cần xuôi tiếp theo con đường bên phải chùa rồi leo qua một vùng đất cao là tới được thành Nhà Mạc. Bỗng nhiên mình nhớ tới một câu Ca dao:

“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có Nàng Tô Thị, có Chùa Tam Thanh”

(theo ca dao tục ngữ)

Dù không được đúng về địa danh có Nàng Tô Thị hay chùa Tam Thanh (vì chúng đều ở trong thành phố Lạng Sơn mà đâu phải ở Đồng Đăng) nhưng vẫn có những nét đẹp mà cha ông ta vẫn giữ gìn được cho tới ngày nay.

Tượng đá Nàng Tô Thị cũng nằm trên lưng chừng một ngọn núi trong dãy thành Nhà Mạc. Nhưng cho tới ngày nay thì tượng đá cũng bị hủy đi rất nhiều. Nếu bạn nào muốn nhìn thấy nàng như đang bế con từ xa đợi chồng về có thể leo lên ngọn núi cao nhất (mà trước nó có một đài phun nước nhỏ).

Qua ngày 24 bạn có thể bắt chuyến xe buýt lên chùa Tân Thanh gần cửa Khẩu Tân Thanh làm điểm đến tiếp theo trong cuộc hành trình của mình. Tại đây bạn sẽ thấy ngôi chùa Tân Thanh và khu chợ Tân Thanh. Đây là khu chợ có cả người Việt Nam và Người Trung Quốc giáp biên giới qua đây mua đồ cũng rất nhiều. Có rất thứ mới lạ thu hút, nhưng các bạn hãy hỏi kĩ người bán cách dùng và sử dụng nha.

Nếu bạn gặp các loại củ quả lạ thì nên hỏi tên và trả thử trên google trước vì có rất nhiều khách bị lừa mua một số loại rau củ quả không ăn được với giá rất đắt. Giá cả quần áo ở đây cũng khá mắc. Nhưng bạn có thể mua hạt dẻ ở đây. Giá sẽ mềm hơn khi mua trong thành phố, hạt cũng to và nhìn ngon hơn nhiều, chú ý là nếu đã mua thì bạn nên mua nhiều chút nha, để dễ mặc cả.

Khu chợ có cả nơi ăn uống nên không bao giờ sợ bị đói vào buổi trưa cả. Cuối ngày bạn lại bắt chuyến xe buýt để về, hoặc có những chiếc xe cóc chuyên chở cũng đi lại rất nhiều.

Bằng Tường – điểm đến thú vị giáp biên giới Việt Trung qua cửa khẩu Hữu Nghị – Lạng Sơn

Ngày 25 bắt đầu rồi. Nếu bạn còn thi thực Visa sang Trung Quốc thì có thể qua Trung Quốc để đi chơi Bằng Tường (một số thông tin về địa danh này trên wikipedia). Và tất nhiên bạn cũng nên chuẩn bị ít tiền Trung Quốc để tiện nhất vì họ không tiêu tiền Việt Nam đâu. Bạn nên đổi tầm 3 Triệu tiền Việt ra tiền Trung là được rồi. Chi phí cho đi lại tầm khoảng 60 tệ tiền Trung nếu bạn đi Taxi vào Bằng Tường sau khi đi qua cửa Khẩu Hữu Nghị. Và bên này bạn cũng nên ăn thử các món ăn của họ vì vị rất khác, có những món ăn hoặc bánh trái cũng không có bên Việt Nam.

Tham khảo video đi chơi Bằng Tường

Video đi chơi Bằng Tường hồi trước dịch bệnh Covid của mình

Còn những ai không qua Bằng Tường thì có thể dành nguyên ngày 25 và ngày 26 âm lịch để lượn lờ trên những con phố của Thành phố Lạng Sơn. Để đi chơi chợ Đông Kinh, Chợ Giếng Vuông và mua đồ trước khi chuẩn bị về khi lễ hội kết thúc vào chiều ngày 27 âm lịch.

Lạng sơn nổi tiếng với món Phở, nói ra thì phở nổi tiếng nhất không phải là phở bò Nam Định mà lại là nơi đây. Nhưng bây giờ bạn muốn ăn một bát phở ngon đúng vị thật rất khó, vì hương vị phở gia truyền đã dần thay đổi khi người con cháu được truyền lại, hoặc đã đóng cửa không còn buôn bán nữa. Mình cũng thử nhiều quán ăn khác nhau và cũng hỏi người dân địa phương để tìm tới một quán sâu trong con ngõ, nhưng hơi tiếc vì quán cũng đổi chủ sang người khác từ lâu.

Dạo quanh đây mình thấy rất nhiều thứ bánh trái rau củ mà dưới Hà Nội không thấy có. Những chiếc bánh ngải nhân vừng đen và vừng trắng thơm dẻo lạ miệng, rồi cả bánh chưng đen Bắc Sơn, món vịt quay và Heo quay cùng lá móc mật đặc sản của vùng cũng được bày bán rất nhiều. Những mớ rau cải lạ lắm, mình hỏi ra mới biết là rau ngồng cải bắp, mầm cải đá, ngồng cải lai,…có cả củ cay mà xào với thịt dù không bỏ muối cũng rất mặn. Họp chợ vẫn đông những người dân trong làng mang cả gà đem bán, cả những cành lan rừng đang sắp ra hoa, rồi những cây thuốc họ tự đào được nữa.

Bạn cũng nên mua quà trước ngày 27 âm lịch vì ngày hội cuối rất đông nên không thể đi mua nhiều đồ được.

Cuối cùng thì ngày 27 âm lịch, người dân lại bày lễ cúng quan của đền. Người dân làm lễ rồi lại rước kiệu quay về từ Đền Tả Phủ ngược lại đền Kỳ Cùng. Ai đi theo hội rước kiệu đều biết tới mức độ đông của lễ hội. Từng tiếng pháo giấy nổ vang khi kiệu đi qua, tiếng chúc tụng, tiếng ca hát nhảy múa, tiếng chung rượu hòa lại như để kết thúc cho lễ hội đền thiêng Kỳ Cùng Tả Phủ Lạng Sơn.

Gắn với nét văn hóa lâu đời và gìn giữ lịch sử, nét đẹp của những lễ hội truyền thồng vẫn là cái nhìn cần trân trọng và bảo vệ. Có lẽ vì cái thiêng của Đền mà đến nay, lễ hội càng thu hút đông đảo người dân cả nước tới tham dự hơn. Tuy nhiên, nơi lễ hội đông người thì du khách cũng nên cẩn thận đề phòng những kẻ xấu lợi dụng thời cơ này. (Bởi vì Haru từng bị mất chiếc điện thoại thân yêu tại chính lễ hội này rồi các bạn ạ)

Bài chia sẻ của mình cũng phần nào cho các bạn một lịch trình và những chú ý đáng để quan tâm khi đi du lịch Lạng Sơn trong tháng Giêng. Có lẽ trong một vài bài khác mình sẽ chia sẽ kĩ hơn, sâu sắc hơn về một địa điểm du lịch cụ thể của tỉnh Lạng Sơn hoặc những lễ hội khác như hội Na Chi Lăng chẳng hạn nhỉ!

An Hảo-